Chuyển đến nội dung chính

RỐI LOẠN LO ÂU (ANXIETY DISORDER)

Rối loạn lo âu là bệnh thần kinh xảy ra khi người bệnh lo lắng quá mức cả về thời gian (lo âu trong thời gian dài hơn bình thường), và cường độ. Rối loạn lo âu có thể xuất hiện cùng với cơn hoảng loạn (panick attack), hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực (bipolar disorder), rối loạn khí sắc (mood disorder), hay rối loạn lo âu xã hội,…

Hầu hết triệu chứng của rối loạn lo âu [1] gồm có:
• Hoảng sợ, lo lắng
• Khó ngủ
• Không thể bình tĩnh hoặc ngồi yên
• Tay hoặc chân lạnh hoặc chảy mồ hôi hoặc run rẩy
• Tim đập nhanh
• Thở gấp
• Khô miệng
• Buồn nôn
• Chóng mặt
• Căng cơ

Thường thì một khi rối loạn lo âu đã bị kích lên (triggered), người bệnh không thể kiểm soát được triệu chứng cũng như suy nghĩ nếu không có sự giúp đỡ của thuốc. Cũng như khi quả bóng bị xịt và bay ra khỏi tay ta, nó sẽ chỉ rơi xuống khi nào không còn hơi bên trong, ta không còn kiểm soát được nữa. Nghiên cứu hình ảnh não người trong rối loạn lo âu cho thấy khi triệu chứng lo âu được kích hoạt, hạch hạnh nhân (amygdala – phần xử lí sợ hãi trong não) ở trạng thái hoạt động quá mức (hyperactivity) [2].

Mình thấy rất nhiều người thân (đa phần là người chồng trong trường hợp vợ là người bệnh hoặc những người họ hàng không biết về những bệnh này) hay nói với người bệnh “tại sao lại lo lắng thái quá như vậy” hay “chỉ cần đừng nghĩ nữa thôi mà”. Nhưng thực sự người bệnh không thể tự dừng lại được, như ví dụ về trái bóng mình nói ở trên. Những chất truyền dẫn trong não nó hoạt động theo cách làm mình không kiểm soát được nữa khi bệnh đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Những trường hợp này cần sự can thiệp của thuốc.

Mình hy vọng khi biết nhiều hơn về bệnh này, mọi người sẽ quan tâm đúng mức hơn tới người bệnh là người thân của mình.

Trong môi trường học tiến sĩ áp lực ở Hàn của mình, rất nhiều bạn, cả người Hàn và sinh viên quốc tế bị rối loạn lo âu hay rối loạn cảm xúc. Nó cũng bình thường như người bị gãy chân gãy tay hay đau tim đau gan vậy.

Và mình cũng biết những bạn bị bệnh mà người thân nói “em đừng nghĩ quá lên vậy chứ”. Nói vậy cũng như nói người bị trầm cảm vui lên đi hay nói người bị gãy chân đừng đau nữa.

Và mình cũng biết những người không được ai chia sẻ khi bị bệnh, bệnh nặng lên thành trầm cảm, và đã ra đi. Vậy mà khi đi rồi vẫn có người quen nói tại sao lại ích kỉ không nghĩ cho con cái,…vv.

Lo âu hay trầm cảm nó như cục đá khóa vào đầu mà mình không có chìa khóa vậy. Nó níu mình lại với cuộc sống. Nó chỉ chực ùa lên và nhấn mình chìm nghỉm giữa dòng sông cô đơn, nếu không có ai chia sẻ với mình.

Bản thân mình cũng đang điều trị rối loạn lo âu cùng lúc với rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Đôi lúc chỉ một nguồn stress nhỏ xíu như mình nghe tin giáo sư sẽ giao thêm dự án cho mình là tay mình bắt đầu run rẩy, tim đập nhanh, mồ hôi tay túa ra. Hay kể cả khi mình viết bài này cũng là một nỗ lực. Vì mình muốn phổ biến những kiến thức về bệnh thần kinh cho mọi người. Và kế hoạch này vừa kích hoạt nguồn stress, vừa kích hoạt cảm xúc hơi hưng phấn (hypomania) trong bệnh rối loạn cảm xúc của mình. Nên mình phải vừa viết vừa cố gắng quên đi cái kế hoạch đó, kiểu như cố gắng chỉ làm thôi mà không nghĩ gì cả, vừa cố gắng thở sâu.

Mình cố gắng điều tiết suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, mình tập gym đều đặn mỗi ngày, mình mua cây về trồng rồi ngắm nó mỗi ngày, mình học tiếng hàn, mình cố gắng tiếp cận nhiều hơn với những nguồn tích cực và tránh những gì tiêu cực. Đương nhiên là mình vẫn uống thuốc đều đặn. Mình dự định sẽ tập thêm iyengar yoga và tập coherent breathing (một kĩ thuật thở đều và chậm, 5 nhịp mỗi phút) vì mới đọc một nghiên cứu tập 2 cái này tốt cho rối loạn lo âu, trầm cảm và những bệnh tương tự [3].

Ngoài cách hít thở sâu và tập suy nghĩ tích cực, tập thể dục thì mỗi lúc lên cơn lo lắng, người bệnh có thể tự tìm một phương pháp để đánh lạc hướng bộ não bằng cách làm gì đó mình thích như chơi game (với mình thì là đọc sách vui vẻ, nhẹ nhàng như sách Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn).

Mình may mắn có gia đình bên cạnh động viên và hỗ trợ, may mắn có nhiều bạn bè hiểu và chia sẻ. Nên mình muốn chia sẻ may mắn bằng bài viết này, mình hy vọng những gì mình học được và có ích cho mình cũng sẽ có ích cho ai đó.

Đọc thêm về rối loạn lo âu ở trang beautifulmind:
https://beautifulmindvn.com/…/roi-loan-lo-au-ky-1-chan-doa…/

Nguồn tham khảo:
[1] https://www.webmd.com/anxiety-panic/guide/anxiety-disorders
[2] https://www.intechopen.com/…/the-role-of-the-amygdala-in-an…
[3] https://www.psychologytoday.com/…/how-yoga-and-breathing-he…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chọn ngành học đại học

Với những bạn có năng khiếu, đam mê về cái gì đó từ nhỏ thì không cần phải nói tới, cứ đấu tranh để học ngành mình yêu thích thôi. Đừng tìm lí do để chối bỏ nó, chỉ khi nào đam mê đó không đủ lớn thì bạn mới dễ dàng tìm lí do để chọn một con đường khác thôi. Trong bài này mình muốn tập trung vào những bạn không biết mình thích gì, không biết chọn ngành gì cho tương lai. Mình cũng từng ở trong hoàn cảnh này 11 năm trước đây, và mình cũng từng đi làm, chán, rồi đi học, rồi chuyển ngành, cộng với những kiến thức mình tích luỹ được, hy vọng sẽ có ích cho mấy bạn lúc đang sôi sục vì thi đại học, chọn ngành, chọn trường này. Thứ nhất là phải tỉnh táo, đừng để những ngành hot lôi kéo bạn. Thời mình mới tốt nghiệp cấp 3 thì IT đang hot, ai cũng muốn học IT vì báo nói ngành này lương cao, đang thời thượng. Đi học mới biết nó đang thời thượng mà là thời thượng ở nước ngoài, ở những nơi kinh tế khá ổn định, và họ đang đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ. Đó là thời Bill Gate dần leo lên

SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN TỐT

Dạo trước mình thường hay bỏ bê bản thân, bỏ bê theo kiểu nuông chiều. Mình nghĩ là mình lên lab stress, mệt mỏi lắm rồi nên mình kệ, mở tủ thấy gì mặc nấy, buổi sáng dậy ăn tạm miếng bánh xong cuống cuồng cào cái đầu, quơ cái mặt, đúng nghĩa là quơ vì lấy nước tạt tạt quơ quơ, còn k buồn lấy sữa rửa mặt, vớ cái túi (mà ngày nào cũng đựng từng ấy thứ như ngày nào) rồi chạy. Mình nghĩ đấy là nuông chiều, thương yêu bản thân mình (vì mình ứ care mấy đứa nhìn mình, mình xấu đau con mắt tụi nó chứ mình có thấy đâu mà sợ). Xong bẵng đi một thời gian mình bắt đầu thấy mệt mỏi, chán chường thật sự. Nhìn bản thân nhếch nhác, chồng con nhếch nhác, nhà cửa nhếch nhác, công việc nhếch nhác. Mình stress nặng. Mình đi gặp bác sĩ. Bác sĩ nhấn mạnh là phải tập thể dục thường xuyên, phải giữ daily routine (đại loại là thời gian biểu cố định hằng ngày) TỐT. Tra các thể loại sách báo, google, chúng nó cũng bảo yêu bản thân đi, tập thể dục đi, chăm chút cho bản thân đi. Vầng, em nghe. Thế là đi

Study abroad, 2 years in Korea

I have been in Korea for 2 years, experienced both lab life and a housewife life ;). In this blog, I almost focus on the study in Korea and only adjust a few things living here. Deciding to study in Korea, you must face many different things, i.e., culture, language, lifestyle and even thought. As other North Asian countries, Korea had had a long time being almost closed about culture, language. Korean thinks they are the highest and noble nation in the world, they don't want their children getting married to foreigner, they believe that their language is the smartest language in the world (?!?, I don't very understand the meaning of the most intelligent language). That's a reason why you cannot live well in Korea when you can't speak Korean, not many Korean can speak English. Being thinking that they are better than the rest of the world makes them not to accept us (foreigners) into their " 우리" circle if we don't speak Korean and don't appreciate