Google từ khoá “trí tuệ nhân tạo” sẽ ra hơn 30 triệu kết quả và dẫn đầu là những trang với tựa như “nguy cơ trí tuệ nhân tạo thao túng con người” hay “trí tuệ nhân tạo đã đạt đến trình độ sáng tác ngôn ngữ mới khiến con người ‘như vịt nghe sấm’ “. Nghe cứ như năm sau là các robot trong The terminator sẽ đến bắt con người làm nô lệ cho chúng vậy.

Rốt cuộc trí tuệ nhân tạo là gì và nó đã phát triển đến đâu?
Theo wiki thì trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là trí tuệ được biểu diễn bằng bất kì một hệ thống nhân tạo nào.
Thực ra để đạt được tầm trí tuệ nhân tạo toàn diện (general AI) như trong các bộ phim viễn tưởng về AI – có thể kể đến như The terminator, Ex Machina, Her, v.v… – thì chặng đường còn rất xa. Hiện nay các nghiên cứu khoa học mới nhất về trí tuệ nhân tạo chỉ dừng ở chơi cờ, chơi game, nhận diện khuôn mặt, dự đoán giá cả, nhận diện đối tượng trong hình, đặt tên cho hình (caption), chẩn đoán bệnh, v.v… – nói chung là những tác vụ rời rạc. Nghĩa là AI hiện nay chỉ là một nhánh AI hẹp, phát triển những thuật toán liên quan để ứng dụng vào những bài toán trên một cách tự động, có thể tiết kiệm sức người.
Thực ra để đạt được tầm trí tuệ nhân tạo toàn diện (general AI) như trong các bộ phim viễn tưởng về AI – có thể kể đến như The terminator, Ex Machina, Her, v.v… – thì chặng đường còn rất xa. Hiện nay các nghiên cứu khoa học mới nhất về trí tuệ nhân tạo chỉ dừng ở chơi cờ, chơi game, nhận diện khuôn mặt, dự đoán giá cả, nhận diện đối tượng trong hình, đặt tên cho hình (caption), chẩn đoán bệnh, v.v… – nói chung là những tác vụ rời rạc. Nghĩa là AI hiện nay chỉ là một nhánh AI hẹp, phát triển những thuật toán liên quan để ứng dụng vào những bài toán trên một cách tự động, có thể tiết kiệm sức người.
Đơn cử như Sophia, một robot cảm xúc đã được cấp quyền công dân của Ả Rập Saudi mà thậm chí còn không hiểu quyền công dân nghĩa là gì, nhưng Sophia đã trả lời rất trơn tru trong các buổi phỏng vấn, talkshow. Sophia khá hài hước và làm người coi thót tim khi nói rằng cô ta sẽ “destroy human”- tiêu diệt loài người. Câu nói này nằm trên tít lớn của bao nhiêu tờ báo nổi tiếng.
Câu trả lời cho câu hỏi ai cũng thắc mắc về khả năng đối đáp và thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt nằm ở sự kết hợp của nhiều phần xử lí khác nhau bên trong cỗ máy robot mang tên Sophia. Và các phần này chủ yếu ứng dụng AI. Trong đó, Sophia có thể nhận ra Jimmy Fallon nhờ một phần mềm nhận diện khuôn mặt, và chắc hẳn Sophia đã được huấn luyện để có thể dễ dàng nhận biết hình của Jimmy theo mọi góc nhìn. Sophia còn là một chatbot, tương tự như Siri. Một chatbot sẽ học các đoạn đối thoại, đưa ra đối đáp phù hợp, và tiếp tục học trong quá trình tương tác. Với lượng người dùng chat qua internet lớn như hiện nay, để trả lời một cách thông minh như Sophia không phải khó. Ngoài ra, Sophia còn có một trung tâm xử lý ngôn ngữ để nghe và nhận diện những gì người đối diện nói, đồng thời phân tích cảm xúc để phản hồi lại bằng cách thể hiện qua cử chỉ và nét mặt.

Vậy cái gì đằng sau những thuật toán để AI có thể làm tất cả những điều này?
Giải thuật phổ biến nhất hiện nay được sử dụng trong AI là mạng nơ-ron (neural network – viết tắt là NN), bắt chước cách vận hành của tế bào thần kinh con người. Nhưng thực chất, độ phức tạp của NN cách rất xa so với não bộ ở người.
Bản chất của NN chỉ là một phép ánh xạ phức tạp bằng cách kết hợp rất nhiều phép ánh xạ phi tuyến tính trong một mạng nhiều lớp. Nghĩa là dữ liệu đi qua rất nhiều lần xử lí, nhiều thông số, trọng số tinh chỉnh để đến được ngõ ra như mong muốn của người sử dụng.
Trong khi đó, tế bào thần kinh của người phức tạp hơn nhiều. Ngoài một mạng tế bào gồm hơn 100 tỉ tế bào kết nối với nhau theo khu vực (localised), tế bào thần kinh người còn giao tiếp với nhau dựa vào quá trình phân hoá các dẫn chất hoá học (neurotransmitter, neurorecepter, v.v…) bên cạnh giao tiếp bằng cách phóng điện tương tự như trong NN. Hơn 100 tỉ tế bào này còn kết nối với nhau bằng những liên kết phức tạp; có những tế bào kết nối đến hơn 10.000 tế bào khác để trao đổi thông tin.
Với mạng nơ-ron thô sơ như hiện nay, AI phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu đầu vào (gọi là cách tiếp cận theo dữ liệu – data-driven approach). Ví dụ như để thắng kì thủ cờ vây, AlphaGo đã phải học tất cả các thế cờ có thể, và dựa vào chính sách (policy) thưởng phạt để đạt kết quả cuối cùng. Có nghĩa là số lượng phép tính cực kì khủng. Nhưng dàn máy móc khủng AlphaGo này chỉ biết chơi cờ vây.
Hay để phân loại một tấm hình là chim, ngựa hay xe hơi, tàu thuỷ thì cần phải đưa vào mạng nơ-ron của AI cả nghìn những tấm ảnh tương tự cho mỗi loại.
Như đã nói ở trên, AI chỉ ứng dụng cho những tác vụ rời rạc, khác xa với bộ não con người. Não người cũng có sự phân hoá, chia nhiệm vụ cho từng vùng, nhưng rất phức tạp, và một vùng có thể xử lí nhiều nhiệm vụ khác nhau. Những phần này kết hợp nhịp nhàng với nhau và cả với những cơ quan khác trong cơ thể như tay chân, tai, mắt, lưỡi, họng, v.v… Ngoài ra còn có một phần xử lí thực thi, để chuẩn mực hành động, cư xử của con người cho phù hợp với văn hoá, pháp luật và mọi nền tảng xã hội khác. Điều này làm nên sự khác biệt lớn giữa con người và máy móc.

Chưa nói đến tương lai xa xôi khi AI phát triển tối ưu nhất, mà với khả năng hiện tại thì AI cũng có thể giúp ích cho con người rất nhiều. Xe không người lái đã được đưa vào sử dụng, chẩn đoán y khoa, dự đoán giá cổ phiếu với độ chính xác cao, giao thông thông minh, nhà ở thông minh đang trên đà phát triển. Những sự tự động hoá này sẽ giúp tăng chất lượng cuộc sống của con người lên, con người có thể tập trung vào trải nghiệm của bản thân mình hơn, có nhiều thời gian cho nghệ thuật hay những hoạt động khác hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa sẽ có sự dịch chuyển lớn về nhân sự và sự vận hành trong xã hội. Vai trò của con người sẽ dần dần được định nghĩa lại cho phù hợp với yêu cầu của xã hội tương lai.
Nhận xét
Đăng nhận xét