
Đi ngược với sự trở lại của gia đình đa thế hệ ở các nước phương tây, ngày càng có nhiều gia đình nhỏ ở Việt Nam muốn được tách riêng, thoát ly khỏi sự ảnh hưởng của bố mẹ, ông bà (nhà chồng hoặc nhà vợ). Chúng ta có thể lí giải thế nào về sự khác biệt này? Và ưu nhược điểm của mô hình gia đình đa thế hệ ở mỗi nền văn hoá là gì?
Sau thế chiến thứ 2, ở Mỹ và nhiều nước phương tây, xu hướng sống độc lập dần trở nên phổ biến. Cho đến năm 1980, số gia đình đa thế hệ ở Mỹ giảm xuống thấp nhất trong lịch sử, chỉ chiếm 12% tổng số dân số Mỹ, so với năm 1940 là 25% – giảm một nửa (số liệu: Pew Research, 2016). Thực tế và nghiên cứu đã chứng minh những người sống độc lập có khả năng thành công cao hơn những “em bé người lớn” ba bốn mươi tuổi vẫn dựa dẫm vào cha mẹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng trẻ em sống cùng với mẹ đơn thân và ít nhất một ông/bà đạt kết quả học tập ở trường tốt hơn các em sống cùng cha mẹ nhưng không có ông/bà ở cùng. Đặc biệt, những em sống chung nhà với ông bà ít có vấn đề về cảm xúc và hành vi hơn các trẻ khác.
Ngoài ra,tại các nước phát triển, giá tiền thuê/mua nhà cao so với mức thu nhập trung bình cũng là một trở ngại cho các gia đình hạt nhân (chỉ có 2 vợ chồng và con). Sự xuất hiện của các dạng căn hộ tổ hợp – hai căn hộ riêng biệt nhưng kết nối với nhau, có cửa thông nhau nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư – với giá cả phải chăng so với việc mua hai ngôi nhà là một động lực thúc đẩy hai gia đình thuộc hai thế hệ dọn về sống chung dưới một mái nhà. Hơn thế nữa, trong thời đại bận rộn và áp lực công việc ngày càng cao, ông bà có thể giúp đỡ trong việc chăm sóc con cái và nhà cửa; ngược lại, khi ông bà bệnh tật có sự chăm sóc, giúp đỡ của con cái cả về tài chính lẫn tình cảm là điều rất cần thiết.

(Ảnh: Drummondhouseplans – căn hộ cho gia đình đa thế hệ)
Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi con cái lấy vợ/chồng và sống chung với cha mẹ thì hầu như mọi quyết định cho gia đình nhỏ đều bị cha mẹ can thiệp: từ việc nuôi con như thế nào, đến việc sao mua cái này cái kia nhiều thế, phí thế. Dù vẫn biết ông bà vì lo cho con cháu và có ý tốt khi đưa ra góp ý, nhưng có lẽ cách góp ý không được tế nhị, và việc góp ý quá nhiều mà không có giới hạn định trước chính là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều vấn đề.
Góp ý làm sao cho tế nhị đã là rất khó. Đặt ra giới hạn việc nào cần góp ý, việc nào không và góp ý ở mức độ nào lại càng khó. Quá trình thông tin hoá, hiện đại hoá diễn ra quá nhanh làm xã hội không kịp đáp ứng, phát sinh mâu thuẫn vì khoảng cách quá lớn và khác biệt về giá trị sống. Một thế hệ vẫn theo tư tưởng Khổng tử và một thế hệ được học về thuyết tiến hoá từ lúc còn ngồi trong ghế nhà trường. Một thế hệ xem trọng những kinh nghiệm của đời trước từ nền văn hoá lúa nước, và một thế hệ thông tin mới cập nhật hàng ngày. Tôi vẫn nhớ cảm giác buồn cười của mình khi bác tôi thắc mắc sao chị tôi lại nói là xì chét hay bọ chét gì đó mà không làm việc theo cách bác tôi mong muốn, còn chị tôi thì than thở về việc vừa phải chiều lòng phụ huynh học sinh vừa phải theo ý của cha mẹ mình – vì bác tôi đã đầu tư tiền để chị mở trường mầm non tư thục.
Kinh nghiệm của đời trước không phải cái nào cũng áp dụng được trong xã hội hiện đại hiện nay. Bên cạnh đó, có những thứ con cần phải tự trải qua, tự cảm nhận thì mới hiểu được, không phải điều nào cũng chỉ nói thôi là có thể hiểu, có thể cảm nhận. Khi giáo dục con cái, kể cả khi con còn nhỏ, điều quan trọng nhất vẫn là phải tôn trọng ý kiến của con, để con trải nghiệm và tự đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Và nhất là khi con đã lớn, đã lập gia đình, con cũng cần phải có những quyết định, những sai lầm, những va vấp, thì con mới thật sự trưởng thành, để lèo lái gia đình nhỏ của con, và nuôi dạy những đứa con nhỏ của con.
Như vậy sống chung trong một gia đình đa thế hệ có rất nhiều ưu điểm. Nhưng điều khó khăn là mỗi thành viên trong gia đình phải tự nhìn nhận vai trò của mình, để vừa có thể độc lập nhưng vẫn vừa dung hoà với các thành viên khác. Người Việt cần học thêm về cách đặt giới hạn để tôn trọng ý kiến của người khác và cũng là tôn trọng mình, cũng như cách cư xử, mô phạm, cách góp ý cũng như cách tranh luận quan điểm mà không đặt quá nhiều cảm xúc, dễ gây nảy sinh mâu thuẫn khó giải quyết trong gia đình lớn. Chúng ta có thể đạt được điều đó bằng cách đặt ra ranh giới ngay từ đầu về việc ai sẽ ra những quyết định nào và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình hay những quyết định nào cần phải có sự bàn bạc, thống nhất của cả gia đình.
Tham khảo:
http://www.pewresearch.org/fact-tank/2016/08/11/a-record-60-6-million-americans-live-in-multigenerational-households/
Tham khảo:
http://www.pewresearch.org/fact-tank/2016/08/11/a-record-60-6-million-americans-live-in-multigenerational-households/
Nhận xét
Đăng nhận xét